I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG BỘ
Ảnh: Trụ sở Huyện ủy Thanh Miện
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất của nhân dân Thanh Miện ngày càng được nhân lên gấp bội. Trên quê hương Thanh Miện lúc này, nhiều tổ chức yêu nước cũng ra đời và hoạt động rất mạnh mẽ, như trường tư thục của thầy Trần Đức Nguyên và thầy Vũ Mâu - tuyên truyền tư tưởng tiến bộ cho các tầng lớp thanh niên. Đồng chí Nguyễn Công Hoà - người đảng viên lớp đầu tiên của Đảng, người con của quê hương Hùng Sơn mặc dù bị đưa về quản thúc tại địa phương, song vẫn tiếp tục gây dựng cơ sở cách mạng.
Đến đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào đấu tranh của nhân dân trong huyện. Năm 1944 tổ chức Việt Minh của huyện Thanh Miện chính thức được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Công Hoà phụ trách và nhanh chóng phát triển rộng trên địa bàn toàn huyện. Tháng 2 năm 1945, tại Thanh Miện, đội tự vệ bí mật của Việt Minh ra đời, do đồng chí Nguyễn Đình Văn làm chỉ huy đã hoạt động sôi nổi và phát triển hết sức mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.
Trước tình thế cách mạng vận động hết sức khẩn trương; ngày 06/6/1945, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, tại Đình thôn Thọ Trương, xã Lam Sơn, đồng chí Nguyễn Công Hoà đã tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản của huyện, gồm 5 đảng viên do đồng chí Nguyễn Công Hoà trực tiếp làm Bí thư chi bộ. Đây là dấu mốc lịch sử, một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Miện. Chi bộ Đảng cộng sản Thanh Miện ra đời là kết quả của quá trình đấu tranh đầy gian nan thử thách, là kết tinh của lòng yêu nước, ý chí cách mạng cao của nhân dân Thanh Miện, đáp ứng kịp thời yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho các phong trào đấu tranh chống áp bức, cường quyền, góp phần giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân, đưa phong trào cách mạng của Thanh Miện hoà chung với dòng thác cách mạng của cả dân tộc.
Ngay sau khi thành lập, Chi bộ đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng; nhanh chóng tập hợp các lực lượng và lãnh đạo nhân dân trong toàn huyện nổi dậy tiến hành khởi nghĩa đập tan bộ máy cai trị thực dân nửa phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân ngày 18/8/1945.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào cách mạng phát triển rộng khắp và không ngừng lớn mạnh, các tổ chức cơ sở đảng lần lượt được hình thành, phát triển và lan rộng ra các xã trong huyện, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân thực hiện tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Ngày 16/02/1947, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất được tổ chức, bầu đồng chí Phạm Nguyên Lương làm Bí thư Huyện uỷ. Sự kiện này, đánh dấu bước phát triển, trưởng thành vượt bậc của các tổ chức Đảng và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thanh Miện. Đại hội đã đề ra chủ trương tập trung lãnh đạo, xây dựng, củng cố chính quyền, đẩy mạnh sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Miện là một trong những căn cứ kháng chiến của tỉnh; hàng ngàn người con quê hương Thanh Miện đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Thanh Miện đã kiên cường chiến đấu chống sự vây ráp, tiến công, càn quét, cướp phá của địch, diệt ác phá tề, đảm bảo an toàn căn cứ cách mạng, tổ chức hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá huỷ nhiều đồn bốt, phương tiện kỹ thuật, làm cho quân địch bị tổn thất nặng nề. Những chiến công đó đã ghi vào lịch sử chiến đấu anh dũng của quân dân Thanh Miện, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước, với khẩu hiệu “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ”, bất chấp gian khổ hy sinh, Đảng bộ và nhân dân Thanh Miện lại tiếp tục đồng sức, đồng lòng, phát huy truyền thống cách mạng, động viên hàng chục nghìn người con ưu tú lần lượt lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Ở hậu phương, nhân dân cùng lực lượng vũ trang vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu kiên cường, đồng thời đáp ứng yêu cầu chi viện lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Thành tích của quân, dân Thanh Miện đã góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia.
Tổng kết các cuộc kháng chiến, toàn huyện có 18.472 người tham gia bộ đội và thanh niên xung phong; huy động cho tiền tuyến gần 10 vạn tấn lương thực thực phẩm, hàng chục vạn ngày công lao động, cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. 3.672 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh; hơn 2.500 thương, bệnh binh để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Nhiều người con Thanh Miện đã lập công xuất sắc, trở thành những tướng lĩnh, chỉ huy cấp cao trong lực lượng vũ trang. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thanh Miện cùng 4 xã: Chi Lăng Nam, Chi Lăng Bắc, Thanh Giang, Thanh Tùng đã được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ; 318 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ; 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động …
Bước vào thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thanh Miện tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết và giành được nhiều thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng lớn mạnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 8% đến 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ thương mại; các ngành sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, thương mại chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá. Trong nông nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và cơ giới hoá đồng bộ trong quá trình sản xuất; các giống cây, con có giá trị kinh tế cao đã và đang phát huy hiệu quả. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại luôn đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 13% đến 15%. Đã hình thành các cụm công nghiệp, đang từng bước thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Hoạt động thương mại nội địa trên địa bàn phát triển khá tốt, hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đảm bảo hoạt động phục vụ nhu cầu mua bán tiêu dùng của nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.
Văn hoá - xã hội luôn được quan tâm, phát triển mạnh mẽ. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư, cơ quan văn hóa được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được giữ vững và phát triển. Tích cực đổi mới công tác dạy và học, công tác quản lý giáo dục; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn có bước phát triển mới; coi trọng việc chuẩn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giáo viên, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục; công tác khuyến học, khuyến tài được mở rộng với nhiều hình thức khen thưởng, động viên học sinh đạt thành tích cao trong học tập.
Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Phong trào xây dựng làng an toàn, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự tiếp tục được duy trì và phát huy. Công tác quân sự địa phương luôn đứng tốp đầu của tỉnh; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, trực phòng chống lụt bão. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh, tuyển chọn, giao nhận quân đủ chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng và an toàn. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, trụ sở làm việc, xây dựng mới và cải tạo, tu sửa nhà văn hoá, trường học, trạm y tế, chợ. Đến hết năm 2017, các xã đã thực hiện được 284 tiêu chí trên tổng số 324 tiêu chí, đạt 88%, trung bình mỗi xã đạt 15,8 tiêu chí.
Công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều tiến bộ quan trọng. Đến nay, Đảng bộ Thanh Miện có 6.962 đảng viên, sinh hoạt ở 43 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm công tác xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường đoàn kết, giữ nghiêm nguyên tắc và kỷ luật Đảng. Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; hàng năm có từ 75% đến 80% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, trên 85% tổng số đảng viên xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bộ máy chính quyền thực hiện tốt chức năng quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân; thực hiện có hiệu quả pháp lệnh dân chủ ở xã - thị trấn và quy chế dân chủ ở cơ quan; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu; tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đẩy mạnh các cuộc vận động xóa đói - giảm nghèo - phát triển kinh tế, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, quán triệt đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Miện quyết tâm đoàn kết một lòng, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, nguồn lực trong nhân dân và xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra, xây dựng quê hương Thanh Miện ngày một giàu đẹp, văn minh.
II. CÁC BAN XÂY DỰNG ĐẢNG, ĐOÀN THỂ TRỰC THUỘC ĐẢNG BỘ HUYỆN
1. Ban Tổ chức Huyện ủy
2. Ban Tuyên giáo Huyện ủy
3. Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ
4. Ban Dân vận Huyện ủy
5. Văn phòng Huyện ủy
6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện
7. Liên đoàn Lao động huyện
8. Huyện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
9. Hội Nông dân huyện
10. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện
11. Hội Cựu chiến binh huyện
12. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện
III. TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG, ĐẢNG VIÊN
- Số tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ huyện: 43, trong đó có 19 đảng bộ xã, thị trấn.
- Tổng số đảng viên của Đảng bộ (tính đến 30/6/2018): 6.962 đảng viên.
IV. DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN KHÓA XXIII, NHIỆM KỲ 2020-2025
STT | Họ và tên | Chức vụ, đơn vị công tác |
1 | Đồng Dũng Mạnh | Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện |
2 | Nguyễn Thế Tài | Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy |
3 | Nhữ Văn Cúc | Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện |
4 | Nguyễn Trung Nghĩa | Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy - Trưởng Phòng Nội vụ huyện |
5 | Nguyễn Anh Tuấn | Ủy viên BTV Huyện ủy, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy - Chánh tranh tra huyện |
6 | Mai Đức Thành | Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy - Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện |
7 | Đào Ngọc Phong | Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy - Chủ tịch UBMTTQ huyện |
8 | Vũ Minh Nguyệt | Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện |
9 | Bùi Hữu Tiếp | Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện |
10 | Vũ Khắc Hội | Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Công an huyện |
11 | An Xuân Tuệ | Ủy viên BTV Huyện ủy, Chỉ huy trưởng BCH quân sự huyện |
12 | Khổng Quốc Toản | HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện |
13 | Lê Ngọc Hân | HUV, Chánh Văn Phòng Huyện ủy |
14 | Ngô Xuân Khiêm | HUV, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy |
15 | Mai Văn Cánh | HUV, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy |
16 | Lê Tuấn Hải | HUV, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy |
17 | Vũ Đức Thành | HUV, Phó Trưởng Ban Thường Ban Dân vận Huyện ủy |
18 | Lê Văn Duẩn | HUV, Chủ tịch Hội Nông dân huyện |
19 | Lê Huy Tập | HUV, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện |
20 | Giang Thị Thía | HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện |
21 | Nguyễn Thị Ngọc Anh | HUV, Bí thư Huyện Đoàn |
22 | Đỗ Văn Tảo | HUV, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện |
23 | An Đăng Sáng | HUV, Trưởng phòng Tư pháp huyện |
24 | Phạm Hồng Thiệp | HUV, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện |
25 | Đỗ Văn Toán | HUV, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện |
26 | Vũ Huy Hiệp | HUV, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện |
27 | Trần Quang Huy | HUV, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện |
28 | Bùi Trọng Thược | HUV, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện |
29 | Phạm Thị Nhung | HUV, Trưởng Phòng NN &PTNT huyện |
30 | Vũ Văn Thay | HUV, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện |
31 | Hoàng Văn Thông | HUV, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Miện |
32 | Nguyễn Duy Thăng | HUV, Bí Đảng ủy xã Thanh Giang |
33 | Phạm Văn Hạnh | HUV, Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện |
34 | Nguyễn Thanh Tịnh | HUV, Bí thư Đảng ủy xã Lê Hồng |
35 | Phạm Ngọc Hùng | HUV, Bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng nhâ dân xã Hồng Phong |
36 | Phạm Ngọc Tuấn | HUV, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện |
37 | Nguyễn Quang Tuấn | HUV, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tùng |
38 | Lê Anh Tuấn | HUV, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện |
39 | Lại Anh Vân | HUV, Chánh án Tòa án nhân dân huyện |